Nga hạ thủy nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov

Wednesday, 09/05/2018, 00:00

       Cuối tháng 04 vừa qua, nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP) của Nga, tàu Akademik Lomonosov (AL) hạ thủy lần đầu tiên tại cảng Baltiysky Zavod, bắt đầu hành trình từ St.Peterburg tới Murmansk để nạp tải nhiên liệu hạt nhân, dự kiến phát điện trong năm 2019.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov hạ thủy (Ảnh: newatlas.com)

Một số đặc trưng kỹ thuật

       AL chứa hai lò phản ứng KLT-40S, loại lò phản ứng nước áp lực được sử dụng phổ biến trong các tàu phá băng của Nga từ những năm 1980. Hai tổ lò này được bố trí trên thân tàu nặng 21.500 tấn, dài 144,4 mét, rộng 30 mét, cao 10 mét, thủy thủ đoàn 69 người; sử dụng nhiên liệu hạt nhân urani có độ giàu 14,1% U-235; thời gian hoạt động 40 năm; chu trình nhiên liệu cỡ 28 tháng. Công suất ở chế độ vận hành bình thường là 70 MW-điện tương đương với 300 MW-nhiệt (50 Gcal/giờ), dự kiến có thể cung cấp điện sinh hoạt cho một thành phố nhỏ cỡ 100.000 người.

       Thiết kế của AL đã được cơ quan pháp quy Nga, Glavgosexpertiza, hoàn tất phê duyệt và kiểm định kỹ thuật trong tháng 12/2017. Đây được đánh giá là thiết kế có độ dự trữ an toàn lớn; Được đảm bảo an toàn theo hai cơ chế chủ động và thụ động; Chống chịu được mới mức động đất cực đại là 3G; Chịu được sự cố trực thăng đâm với khối lượng tối đa 11 tấn và tốc độ cực đại là 15 m/s; Có các giải pháp chống chịu lại sóng thần.

       Nhà máy điện hạt nhân nổi AL được so sánh với tàu Titanic để thể hiện được kích thước to lớn của con tàu này. Tuy nhiên, đây không phải là tàu sử dụng năng lượng hạt nhân có kích thước hay công suất lớn nhất hiện có trên biển. Có hàng chục tàu chiến, tàu ngầm và tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân của cả Nga và Mỹ đang hoạt động trên thế giới, lớn nhất là tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ với công suất 700 MW. Về mặt lịch sử, AL cũng không phải là tàu phát điện hạt nhân đầu tiên thế giới. Trong giai đoạn 1968 đến 1976, quân đội Mỹ đã vận hành tàu STURGIS trong hồ Gatan, cấp điện cho vùng kênh đào Panama.

Chức năng và ý nghĩa

       Mục tiêu vận hành của AL là cấp điện thay thế cho tổ lò số 1 tại nhà máy điện Bilibino, Chukotka, sẽ dừng hoạt động trong năm 2019. Về bài toán năng lượng tổng thể, hệ thống điện của Nga mới chỉ vươn tới 15% diện tích của nước này, và công nghệ FNPP là phương pháp tối ưu để cấp nhiệt và điện cho các vùng xa xôi hẻo lánh vẫn còn chiếm tới một nửa diện tích. Tuy Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đã nỗ lực chứng minh tính an toàn với cộng đồng quốc tế, AL vẫn nhận được những ý kiến quan ngại từ các nhà quan sát. Tổ chức Greenpeace gọi AL là “cơn ác mộng trôi nổi” có nguy cơ trở thành “Chernobyl trên băng”.

       Nhà máy điện hạt nhân nổi AL đại diện cho một xu hướng công nghệ được quan tâm trong bối cảnh hiện tại, công nghệ lò phản ứng công suất nhỏ dạng mô-đun (SMR) nói chung và FNPP nói riêng. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tính đến năm 2016, một loạt thiết kế FNPP đã được đưa ra, như ACPR-50S của Trung Quốc; Flexblue của Pháp; KLT-40S, RITM-200, VBER-300, ABV-6E, SHELF của Nga. Đây cũng là giải pháp khả dụng đối với một quốc gia có nhiều biển đảo xa bờ như Việt Nam.

Nguồn: newatlas.com và world-nuclear-news.org

Phạm Tuấn Nam - TTNLHN (dịch)

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 4252