Hợp tác đa phương trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Tuesday, 22/11/2011, 00:00

1. HỢP TÁC VỚI CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ QUỐC TẾ (IAEA)

IAEA là cơ quan tự điều hành thuộc hệ thống các tổ chức của Liên hiệp quốc. IAEA được thành lập ngày 29/7/1957 và có trụ sở tại Viên, thủ đô Cộng hoà Áo.

1.1. Mục đích tôn chỉ của IAEA

IAEA được thành lập với tôn chỉ mục đích: tăng cường và mở rộng những đóng góp của NLNT vào hoà bình, sức khoẻ và sự phồn vinh của toàn thế giới và của toàn nhân loại. IAEA đảm bảo mọi sự trợ giúp do IAEA cung cấp hay yêu cầu cũng như mọi trợ giúp do IAEA cố vấn hay kiểm soát đều không phục vụ hoặc hướng đến các mục đích quân sự. 

Với tôn chỉ mục đích đó, IAEA có trách nhiệm khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng NLNT ở các nước thành viên; cung cấp các vật liệu, các dịch vụ, máy móc và thiết bị để đáp ứng nhu cầu của công tác nghiên cứu, triển khai và ứng dụng NLNT; cung cấp, trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật hạt nhân; xây dựng, quản lý và thực hiện hệ thống thanh tra hạt nhân.

1.2. Các hoạt động của IAEA

 - Về Luật pháp: IAEA có thể giúp đỡ trong việc thương lượng, dự thảo và ký kết các thoả thuận quốc tế về sử dụng NLNT vì mục đích hoà bình, nhất là các thoả thuận về thanh sát và an toàn hạt nhân. IAEA giữ vai trò chủ sử hữu một số công ước đa phương như Công ước về bảo vệ chống mất cắp vật liệu hạt nhân, Công ước thông báo nhanh sự cố hạt nhân, Công ước trợ giúp khi có sự cố hạt nhân, Công  ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với thất thoát vật liệu hạt nhân, Công ước về an toàn hạt nhân.

 - Chuyển giao thông tin: IAEA là một trung tâm quốc tế cung cấp thông tin về NLNT cho tất cả các nước thành viên, các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực hạt nhân cũng như cho công chúng.

 - Chương trình viện trợ hợp tác kỹ thuật: là chương trình hoạt động lớn, quan trọng của IAEA nhằm tăng cường sự đóng góp của NLNT vì hoà bình, bảo vệ sức khoẻ và sự phồn thịnh thông qua chuyển giao công nghệ, trợ giúp phát triển các nghiên cứu, ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình ở các nước thành viên và khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên nhằm thực hiện các mục tiêu này.  IAEA tiến hành viện trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên về nghiên cứu, triển khai và ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình trong đó có cả vấn đề phát triển Điện hạt nhân (ĐHN). Vì vậy, các nước đang phát triển có chương trình ĐHN thì sẽ nhận được viện trợ hợp tác của IAEA. Đối với các nước chưa có ý định phát triển ĐHN, thì các dự án viện trợ kỹ thuật của IAEA sẽ tập trung vào ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phi - năng lượng.

1.3. Hợp tác giữa Việt Nam và IAEA

Tháng 6/1978, Chính phủ CHXHCN Việt Nam quyết định chính thức trở lại tham gia các hoạt động của IAEA và thực hiện mọi nghĩa vụ đối với IAEA. (Chính quyền Sài Gòn cũ tham gia IAEA từ năm 1957. Đến năm 1975, Việt Nam tạm ngừng tham gia IAEA). Sau khi chính thức trở lại IAEA, Việt Nam đã xem xét và từng bước ký kết các văn bản hiệp định với IAEA hoặc nằm trong khuôn khổ của IAEA, để làm cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác và góp phần vào các hoạt động của IAEA. Hợp tác với IAEA chủ yếu thông qua các dự án viện trợ kỹ thuật bao gồm việc IAEA cử chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ triển khai các dự án, cung cấp vật tư thiết bị và đào tạo cán bộ chuyên môn và cán bộ các ngành liên quan đến NLNT.

Hiện nay, mỗi năm, tổng giá trị các dự án của IAEA là khoảng từ 700.000 đến 800.000 USD, trong đó kinh phí dành cho thiết bị chiếm khoảng 60-70%, còn lại là kinh phí dành cho chuyên gia và đào tạo. Đặc biệt, từ năm 1997,  IAEA đã viện trợ cho Việt Nam nhiều thiết bị, tài liệu, cử nhiều chuyên gia sang giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân.

2. HỢP TÁC VÙNG RCA

2.1. Giới thiệu về RCA

Hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân (gọi là Hiệp định hợp tác vùng - RCA) là hợp tác liên quốc gia về NLNT ở Châu Á và Thái Bình Dương, dưới sự chỉ đạo của IAEA, được ký ngày 12/6/1972, và 5 năm xem xét lại việc gia hạn một lần. Hiện nay đã có 17 nước tham gia, đó là: Úc, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Miến Điện, New Zealand, Pakistan, Philippines, Nam Triều Tiên, Singapore, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam.

2.2. Mục tiêu của RCA

Với nhận thức rằng các mối quan hệ, hợp tác song phương cũng như đa phương giữa các nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được nâng cao, RCA tập trung hoạt động của mình để góp phần giải quyết những vấn đề sau:

1. Làm thế nào để duy trì hoà bình và sự ổn định xã hội - chính trị trong vùng, mang đến cho nhân dân trong vùng sự tin tưởng về việc đảm bảo an toàn vì đó là điều kiện cơ bản cho các hoạt động phát triển kinh tế?

2. Làm thế nào để phát triển kinh tế, đặc biệt thông qua công nghiệp hoá và tạo ra sự bình đẳng cho nhân dân trong vùng để cải thiện mức sống của nhân dân?

3. Làm thế nào để phát triển và áp dụng KH &CN của các quốc gia trong vùng, cung cấp giải pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề khó khăn cho các nước khác nhau trong việc lập kế hoạch và thực hiện chương trình quốc gia của họ?

2.3. Hợp tác giữa Việt Nam và RCA

Việt Nam thực sự trở thành thành viên của RCA từ năm 1981. Ngay từ khi mới tham gia, Việt Nam đã tập trung nỗ lực vào việc đẩy mạnh các ứng dụng đồng vị phóng xạ trong nông nghiệp, công nghiệp và y tế.

3. HỢP TÁC FNCA

Năm 1990, Nhật Bản khởi xuớng và là nước tài trợ chính cho Chương trình hợp tác hạt nhân Châu Á. Việt Nam chính thức tham gia Chương trình này từ năm 1996. Tại Hội nghị lần thứ 10, năm 2000 tổ chức tại Tokyo - Nhật Bản, các nước thành viên đã nhất trí đổi tên Chương trình này thành Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á (viết tắt là FNCA).

 FNCA đã tuyên bố về tầm nhìn và các mục tiêu của mình như sau:
 Tuyên bố về Tầm nhìn của FNCA:

 “FNCA phải được công nhận như là một cơ chế hiệu quả đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác trong vùng một cách tích cực trong lĩnh vực sử dụng hoà bình và an toàn công nghệ hạt nhân”.

Các mục tiêu của FNCA:

1. Đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc sử dụng an toàn công nghệ hạt nhân.

2. Sử dụng công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực mà ở đó công nghệ này có những lợi thế khác biệt.

3. Đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên FNCA

Hiện nay có 9 nước tham gia vào tổ chức này là Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Malaysia và Việt Nam.

Lượt xem: 4934

Các tin khác