Kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp cơ sở 2021 “Nghiên cứu, sử dụng phần mềm mô phỏng ARGOS đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của phóng xạ từ một số sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành cảng đến Việt Nam”

Wednesday, 22/06/2022, 00:00

       Nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở năm 2021 “Nghiên cứu, sử dụng phần mềm mô phỏng ARGOS đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của phóng xạ từ một số sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành cảng đến Việt Nam” do ThS. Dương Đức Thắng làm chủ nhiệm được thực hiện với mục tiêu chính là khai thác sử dụng hiệu quả phần mềm ARGOS để đưa ra được các bản đồ về xu hướng phát tán của các nhân phóng xạ (theo 2 mùa: mùa hè và mùa đông) và đánh giá được liều bức xạ đối với con người và môi trường từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng của Trung Quốc đến Việt Nam theo một số kịch bản tai nạn tương ứng với ba cấp sự cố (4, 5, 6 - theo thang sự cố INES) phục vụ công tác xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố. Nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành công việc nghiên cứu và được Hội đồng KHCN nghiệm thu chính thức ngày 26/05/2022 với các nội dung nghiên cứu được đăng ký như sau:

- Tìm hiểu về mô hình phát tán; số liệu khí tượng; và phương pháp tính liều của phần mềm ARGOS. Lựa chọn những kịch bản sự cố 4, 5, 6 - theo thang INES và số hạng nguồn tương ứng.

- Mô phỏng, tính toán và nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của phóng xạ trong môi trường khí từ nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng đến Việt Nam bằng phần mềm ARGOS.

- Từ các kết quả thu được đưa ra khuyến cáo cho cơ quan quản lý trong việc đưa ra kịch bản ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.

       Nhóm nghiên cứu tập trung vào đánh giá phạm vi và mức độ ảnh hưởng của phóng xạ từ một số sự cố thường hay xảy ra (4, 5, 6 - theo thang sự cố INES). Mục tiêu có ý nghĩa thiết thực gắn liền với các hoạt động quan trắc tực tuyến đang thực hiện tại Trung tâm Quan trắc phóng xạ và Đánh giá tác động môi trường. Kết quả của đề tài sẽ là công cụ kỹ thuật và sẽ được sử dụng thường xuyên ở Trung tâm điều hành Mạng lưới QT-CBPXMTQG. Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tốt các sản phẩm như đăng ký bao gồm:

- Hướng dẫn sử dụng phần mềm ARGOS.

- Bản đồ về xu hướng phát tán của các nhân phóng xạ (theo mùa), phạm vi phát tán và ảnh hưởng của các chất phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng của Trung Quốc đến Việt Nam theo một số kịch bản tai nạn tương ứng với ba cấp sự cố (4, 5, 6 - theo thang sự cố INES) và một số khuyến cáo cho cơ quan quản lý trong việc ứng phó sự cố.

- 01 Báo cáo Hội nghị KH&CN Hạt nhân Toàn quốc lần thứ 14.

- 01 Bài báo được đăng tải “Using ARGOS to simulate radioactive dispersion in the atmosphere from Fangchenggang nuclear power plant to Viet Nam” đã được tạp chí tiếng anh Nuclear Science and Technology (NST) của Hội Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam và Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam chấp nhận đăng.

Hình ảnh: Phân bố  tổng suất liều sau 18 giờ

Hình ảnh: Phân bố  tổng suất liều sau 48 giờ

       Từ kết quả tính toán mô phỏng lan truyền phóng xạ và đánh giá phân bố liều bức xạ đối với các sự cố tai nạn từ NMĐHN Phòng Thành Cảng cho thấy chưa có mức can thiệp cho hành động bảo vệ khẩn cấp cũng như cho hành động tái định cư và kết thúc tái định cư bị vượt quá để có thể phải thực hiện các biện pháp can thiệp tương ứng. Tuy nhiên đã có những mức can thiệp tác nghiệp dựa trên các giá trị phóng xạ đo được bị vượt quá như suất liều trong không khí và mật độ rơi lắng của các nhân phóng xạ trên bề mặt đất bị vượt quá cần phải xác định vùng bị ảnh hưởng để thực hiện các biện pháp can thiệp tương ứng (cấp 6 và cấp 5). Đối với trường hợp sự cố cấp 4 thì chưa cần áp dụng mức can thiệp tác nghiệp. Kết quả mô phỏng cho thấy luồng khí phóng xạ ảnh hưởng đến Việt Nam có phạm vi tương đối rộng có thể bao gồm toàn bộ các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.

       Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, phần mềm AGROS là công cụ tốt để mô phỏng khả năng phát tán từ các sự cố (nếu có) NMĐHN Phòng Thành Cảng và Xương Giang cũng như các NMĐHN nổi của Trung Quốc trong tương lai hỗ trợ ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Đây cũng là các bài toán mà nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 21375

Các tin khác