Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt

Monday, 21/11/2011, 00:00

Lò phản ứng hạt nhân Ðà Lạt thuộc loại lò nghiên cứu, có công suất nhiệt 500 kW. Lò sử dụng nhiên liệu loại VVRM2 do Liên Xô (cũ) chế tạo với độ giàu 36% U-235. Cấu hình vùng hoạt hiện nay gồm 104 bó nhiên liệu, mỗi bó gồm ba lớp đồng trục, lớp ngoài hình trụ lục giác, hai lớp trong hình trụ tròn.

Nơtron tham gia phản ứng dây chuyền phân hạch hạt nhân được làm chậm bằng nước thường. Xung quanh vùng hoạt được lắp đặt một vành phản xạ bằng graphit. Ở tâm vùng hoạt được bố trí một hốc nước bao quanh bởi lớp phản xạ berili. Cấu trúc này đóng vai trò của một bẫy nơtron, cho phép tăng thông lượng nơtron lên một cách đáng kể, nhờ vậy thông lượng nơtron nhiệt tại bẫy đạt đến 2.1 x 1013 n.cm-2.s-1. Phổ nơtron trong lò phản ứng rất rộng, từ nơtron nhiệt qua vùng cộng hưởng đến vùng nơtron nhanh (đến 10 MeV).

Nước thường là chất làm nguội vùng hoạt theo chế độ đối lưu tự nhiên. Nước làm nguội sơ cấp được chứa trong thùng lò bằng nhôm có đường kính 1,98m, chiều cao 6,26m. Nhiệt năng trong thùng lò được thải ra ngoài nhờ hai hệ làm nguội (sơ cấp và thứ cấp) nối tiếp nhau qua bình trao đổi nhiệt. Nhiệt năng từ hệ thứ cấp được thải ra môi trường thông qua tháp làm nguội.

Các phương tiện chiếu mẫu bao gồm bẫy nơtron, một số kênh đứng (các kênh khô 7-1 và 13-2 hoạt động bằng khí nén; kênh ướt 4-1 và 40 hốc chiếu trong mâm quay đặt ở phía trên vành phản xạ, với thành phần năng lượng nơtron khác nhau phù hợp cho nhiều mục đích nghiên cứu). Ngoài ra lò phản ứng còn có 4 kênh ngang (một kênh tiếp tuyến, 3 kênh hướng tâm) trong đó 2 kênh đã được sử dụng để rút ra những chùm nơtron nhiệt hoặc đơn năng thông qua phin lọc, với thông lượng cỡ 106-107n.cm-2s-1.

Lò phản ứng còn được bố trí một kênh chiếu mẫu hoạt động bằng khí nén trong cột nhiệt, tại đấy tỉ số cadmi rất cao, tạo thành trường nơtron nhiệt lý tưởng để nghiên cứu tương tác nơtron với vật chất.

Lượt xem: 3767