Số liệu của CTBTO liên quan đến vụ thử hạt nhân ngày 12/2/2013

Monday, 25/02/2013, 14:53

     Cho đến ngày 14/2/2013 có tổng cộng 96 trạm quan trắc địa chấn của Hệ thống quan trắc quốc tế (IMS) của Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã gửi dữ liệu liên quan đến sự kiện địa chấn bất thường xảy ra ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều tiên (CHDCND TT) vào ngày 12/2/2013 về Trung tâm dữ liệu quốc tế (IDC) của tổ chức CTBTO tại thủ đô Viên, Áo để phân tích. Độ lớn của sự kiện địa chấn này được IDC xác định là 4,9 đôrichter và địa điểm thử nổ hạt nhân này đã được xác định chính xác với sai số nằm trong khoảng +/-8,1 km. Vụ nổ thử hạt nhân này cũng đã được thông báo chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng của CHDCND TT ngày 12/2/2013. Đây là lần thử hạt nhân lần thứ ba của nước này, hai lần trước được thực hiện vào năm 2006 và năm 2009.

Đếnngày 14/2/2013, 96 trạm quan trắc quốc tế đã gửi dữ liệu liên quan đến vụ thử nổ hạt nhân được Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố.

     Tại một cuộc họp của các nước thành viên của Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (Hiệp ước CTBT) ngày 15/2, ông Tibor Tóth, thư ký điều hành của Ủy ban trù bị của Tổ chức CTBTO, ông Lassina Zerbo Giám đốc IDC và các chuyên gia khoa học khác đã trình bày về những số liệu đo được mới nhất của tổ chức CTBTO với đại biểu của các nước thành viên. Trong ba ngày, kể từ ngày Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) thông báo rằng họ đã tiến hành nổ thử hạt nhân lần thứ ba của mình, các chuyên gia của IDC đã phân tích số lượng lớn dữ liệu thu nhận được từ các trạm quan trắc quốc tế (IMS) của tổ chức CTBTO. Ngay ngày hôm sau, các nước thành viên đã nhận được số liệu đã được phân tích rất cẩn thận về sự kiện địa chấn này với sự nỗ lực hết sức của các nhân viên.

     Tổ chức CTBTO sử dụng bốn kỹ thuật kiểm chứng để đảm bảo rằng không có vụ nổ hạt nhân nào không bị phát hiện. Kỹ thuật địa chấn phát hiện sóng địa chấn trong lòng đất gây ra bởi các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, trong khi kỹ thuật thủy âm và hạ âm phát hiện tín hiệu từ đại dương và trong khí quyển tương ứng. Các kỹ thuật này được sử dụng để xác định vị trí các vụ nổ. Kỹ thuật hạt nhân phóng xạ theo dõi hạt nhân phóng xạ hoặc khí hiếm phóng xạ trong khí quyển có thể thoát ra từ một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất để khẳng định bản chất sự kiện địa chấn có phải là vụ nổ hạt nhân hay không.

     Địa điểm nổ thử hạt nhân ngày 12/2 vừa qua được xác định là ở gần vị trí các đợt nổ thử hạt nhân trước đây của CHDCNDTT trong năm 2006 và 2009, nhưng do lần này có nhiều trạm quan trắc hơn ghi nhận được tín hiệu từ vụ nổ thử lần này nên độ chính xác của phép xác định lần này tốt hơn nhiều so với hai vụ nổ thử trước. Trong năm 2006,địa điểm nổ hạt nhân có thể xảy ra trong khu vực có diện tích880km2, trong năm 2009, khu vực này thu hẹpxuống265km2vụ nổ lần này có thể nằm trong khu vực có diện tích181km2.

Vòng màu xanh là khu vực vụ nổ thử năm 2006 có thể xảy ra bên trong, vòng màu tím cho vụ nổ 2009, vòng màu đỏ là khu vực cho vụ nổ thử 2013

     Hạt nhân phóng xạ có thể ghi nhận được trong khoảng vài tuần sau thời điểm xảy ra vụ nổ nếu khí phóng xạ từ tâm vụ nổ thoát lên trên mặt đất bởi các mạng quan trắc hạt nhân phóng xạ. Đối với vụ nổ thử hạt nhân năm 2006, trạm quan trắc hạt nhân phóng xạ của CTBTO ở Yellowknife, Canada, phát hiện khí phóng xạ Xe-133 hai tuần sau khi vụ nổ thử hạt nhân xảy ra. Tuy nhiên người ta không phát hiện được hạt nhân phóng xạ nào từ vụ nổ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong năm 2009. Hiện tại tổ chức CTBTO đang liên tục quan trắc hạt nhân phóng xạ từ vụ nổ này và kết quả quan trắc sẽ được thông báo cho các quốc gia thành viên thông qua trang web bảo mật của mình. Chúng tôi sẽ đăng các thông tin liên quan đến vụ nổ thử hạt nhân này khi có các thông tin mới liên quan.

Trung tâm dữ liệu quốc gia cho Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 6419