Hội thảo định kỳ Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân

Friday, 30/09/2016, 00:00

       Đã trở thành thông lệ, vào thứ Năm hàng tuần, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) tổ chức hội thảo chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực mà Viện đang triển khai thực hiện. Buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ tuần này có 4 báo cáo, trong đó có 3 báo cáo của các nghiên cứu viên đến từ Trung tâm Năng lượng hạt nhân và một báo cáo đến từ Trung tâm Vật lý hạt nhân.

       Báo cáo “Nghiên cứu tính toán cháy vùng hoạt lò phản ứng VVER-1000 trong điều kiện boron tới hạn” trình bày kết quả tính toán cháy vùng hoạt lò phản ứng VVER-1000 khi nồng độ Boron trong chất làm chậm được thay đổi để lò phản ứng luôn đạt trạng thái tới hạn. Các tính toán được thực hiện bằng chương trình SRAC với 2 modun là PIJ và COREBN. Một chương trình con được xây dựng để thực hiện vòng lặp hiệu chỉnh nồng độ Boron sao cho lò phản ứng đạt tới hạn ở mọi bước cháy. Kết quả thu được gồm hệ số nhân hiệu dụng,  phân bố công suất, phân bố độ sâu cháy ở cuối chu trình, thời gian vận hành của lò phản ứng và nồng độ boron tới hạn trong quá trình cháy. Các kết quả này được so sánh với các trường hợp tính cháy khi không hiệu chỉnh nồng độ boron tới hạn để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của nồng độ boron tới các đặc trưng vật lý của lò trong quá trình vận hành. 

       Báo cáo “Xây dựng cấu hình nạp tải vùng hoạt cho lò phản ứng VVER-1200/V491” giới thiệu phương pháp xây dựng cấu hình nạp tải vùng hoạt lò phản ứng VVER-1200/V491. Dựa trên thông số vật lý của các loại bó nhiên liệu, cấu hình nạp tải vùng hoạt được thiết lập bằng hai cách: (1) suy luận từ cấu hình vùng hoạt của lò phản ứng VVER-1000/V392 và (2) xây dựng từ chương trình tính toán tối ưu vùng hoạt LPO-V. Cuối cùng, các thông số vật lý và an toàn cho vùng hoạt lò phản ứng như: Hệ số nhân notron hiệu dụng, phân bố công suất, hệ số notron trễ hiệu dụng, hệ số phản hồi độ phản ứng theo nhiệt độ nhiên liệu và chất làm chậm được tính toán và kiểm nghiệm bằng chương trình SRAC.

       Báo cáo “Development of an MCNP5-ORIGEN2 Coupling Scheme for Burnup Calculation of VVER-1000 Fuel Assemblies”: Mục đích của bài báo là phát triển một chương trình tính toán cháy kết hợp giữa MCNP5 và ORIGEN2. Cụ thể, chương trình tính toán Monte Carlo (MCNP5) và chương trình tính toán cháy (ORIGEN2) được kết hợp với nhau bằng vòng lặp dựa trên ngôn ngữ lập trình PERL. Bài toán chuẩn tính cháy cho bó nhiên liệu độ giàu thấp lò VVER-1000 được dùng để kiểm tra mô hình và tính ứng dụng của chương trình kết hợp MCNP5 và ORIGEN2. Kết quả tính toán giá trị k-inf có độ phù hợp tốt với kết quả được đưa ra trong bài toán chuẩn, với sai số nhỏ hơn 600 pcm. Ngoài ra, mật độ các đồng vị ở bước cháy cuối cùng 40 MWd/kgHM cũng được so sánh với bài toán chuẩn với sai số nhỏ hơn 6.5%. Chương trình tính toán kết hợp cũng đã xem xét tới hiệu ứng che chắn của thanh nhiên liệu chứa Gadolinium và tính toán khá chính xác sự cháy của các đồng vị như một hàm phân bố theo bán kính thanh nhiên liệu.

       Báo cáo đến từ trung tâm Vật lý hạt nhân có tựa đề Sử dụng mẫu folding xác định thế quang học phi định xứ trong nghiên cứu tán xạ nucleon-hạt nhân”. Thế quang học nucelon-hạt nhân được xây dựng dựa trên mẫu folding sử dụng tương tác nucleon-nucleon hiệu dụng G-matrix. Thế foding được đưa vào nghiên cứu tán xạ đàn hồi proton lên các bia khác nhau tại năng lượng 65 MeV. Kết quả của tiết diện tán xạ đàn hồi theo phân bố góc và độ phân cực sử dụng tương tác G-matrix được so sánh với các kết quả sử dụng tương tác JLM.

       Các báo cáo trên sẽ được trình bày tại Hội nghị khoa học trẻ lần thứ 4 do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức. Hy vọng những báo cáo này sẽ góp nên nhiều thành công cho Hội nghị.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 2726

Các tin khác

 
009bet