Hội thảo "Xác định hàm lượng Uranium trong lá thuốc lá sử dụng detector vết hạt nhân LR-115"

Thursday, 20/07/2017, 00:00

       Đã trở thành thông lệ, vào thứ Năm hàng tuần, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) tổ chức hội thảo chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực mà Viện đang triển khai thực hiện. Buổi sinh hoạt khoa học thường kỳ tuần này có chủ đề "Xác định hàm lượng Uranium trong lá thuốc lá sử dụng detector vết hạt nhân LR-115"  do Bùi Thanh Hòa, thực tập sinh tại Trung tâm Quan trắc phóng xạ và Đánh giá tác động môi trường, Viện KH&KTHN trình bày. 

       Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc cao trên thế giới. Trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh có nguyên nhân từ hút thuốc lá lại gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong. Số liệu thống kê cho thấy có gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt Nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

       Lá cây thuốc lá có đặc tính giữ và tích tụ các chất phóng xạ có nguồn gốc từ Uranium, đặc biệt là Radon, đồng vị phóng xạ này được thải ra từ phân hóa học hay đất bị nhiễm xạ. Chất phóng xạ sẽ tích tụ trong phổi của người hút thuốc ở nồng độ tập trung ngày càng cao theo lượng khói thuốc ô nhiễm hít vào. Ước tính khi hút trung bình 10 điếu thuốc/ngày thì liều lượng phóng xạ trong cơ thể người hút thuốc phải chịu tương đương với việc phải đi chụp X-quang từ 300 đến 2000 lần mỗi năm (tùy thuộc vào loại máy chụp X- quang). Điều này làm sáng tỏ hơn nguyên nhân tại sao hút thuốc lá lại gây ung thư phổi và các bệnh ung thư khác (theo WHO). Ở Việt Nam, những năm gần đây đã có một số nghiên cứu về hàm lượng các nhân phóng xạ tự nhiên có trong thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn chưa có các nghiên cứu chi tiết về nhân phóng xạ trong các bộ phận của cây thuốc lá nhằm đánh giá nguồn gốc của chúng.

       Nhóm nghiên cứu tại TT Quan trắc phóng xạ và Đánh giá tác động môi trường đã thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu xác định hàm lượng Uranium trong lá cây thuốc lá. Nhóm sử dụng phương pháp detector vết hạt nhân để ghi nhận các mảnh phân hạch tạo thành từ phản ứng phân hạch của 235U có trong lá thuốc lá với neutron nhiệt. Lá thuốc lá từ cây trưởng thành tại vùng nguyên liệu thuốc lá sau khi được xử lý, tạo dạng mẫu sẽ được gắn thêm các detector LR-115 và chiếu với nguồn neutron Am-Be (X-14) của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân. Trong các thí nghiệm mẫu và detector được chiếu trong thời gian khoảng 85 giờ, sau đó các detector được xử lý kỹ thuật, đếm vết và đọc kết quả. Hàm lượng Uranim được xác định từ các số liệu ghi nhận được.

       Phân tích hàm lượng Uranium bằng detector vết hạt nhân là phương pháp mới tại Việt Nam, hiện nay phương pháp này vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và hứa hẹn nhiều khả năng ứng dụng trong xác định Uranium trong các mẫu thực vật. Một phần kết quả ban đầu của nghiên cứu này cũng là nội dung của luận văn tốt nghiệp Đại học của sinh viên Bùi Thanh Hòa, K56 Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã được bảo vệ thành công.

Thay mặt nhóm nghiên cứu
ThS. Lê ĐìnhCường, TT Quan trắc Phóng xạ và Đánh giá Tác động môi trường
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

 

Lượt xem: 2264

Các tin khác

 
009bet