Hội thảo về Kiểm soát và kế toán vật liệu hạt nhân

Monday, 18/03/2019, 00:00

Hội thảo về Kiểm soát và kế toán vật liệu hạt nhân, Đà Lạt - 2019 - (Ảnh: US DOE)

       Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-proliferation Treaty  - NPT) được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1968 và có hiệu lực năm 1970, xác định rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân (VKHN)” trước 01 tháng 01 năm 1967, bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc; Tất các nước khác được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân”. NPT quy định các quốc gia không có VKHN không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân. Hiệp ước là văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, góp phần tạo dựng nên hệ thống không phổ biến VKHN trên phạm vi toàn cầu với ba trụ cột chính sau đây:

1. Không phổ biến vũ khí hạt nhân: được quy định chủ yếu trong Điều I và II của Hiệp ước. Theo đó, các quốc gia có VKHN cũng như không có VKHN cam kết không chuyển giao và nhận sự chuyển giao bất cứ VKHN hoặc các thiết bị gây nổ hạt nhân; không bằng bất kỳ hình thức nào khuyến khích hoặc xúi giục sản xuất; không trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát VKHN và thiết bị gây nổ hạt nhân. Ngoài ra, Khoản 2 Điều III còn quy định các quốc gia tham gia Hiệp ước không cung cấp nguồn hoặc vật liệu hạt nhân phân hạch đặc biệt, trang thiết bị hoặc vật liệu dùng để chế tạo, sử dụng, sản xuất vật liệu phân hạch đặc biệt.

2. Thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình: Tuy không khuyến khích việc phổ biến VKHN và các thiết bị gây nổ hạt nhân, Hiệp ước cũng cho phép phát triển kỹ thuật hoặc hợp tác quốc tế liên quan đến mục đích dân sự, bao gồm trao đổi quốc tế về nguyên liệu và thiết bị hạt nhân để chế tạo và sản xuất nguyên liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình phù hợp với các điều khoản ghi trong Hiệp ước. Tất cả các bên tham gia Hiệp ước cam kết tạo điều kiện và có quyền tham gia vào việc trao đổi đầy đủ nhất có thể các thiết bị, nguyên liệu, thông tin khoa học và kỹ thuật cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình đã được quy định cụ thể tại Điều III và IV.

3. Giải trừ quân bị: theo Điều VI của Hiệp ước, mỗi Bên tham gia Hiệp ước cam kết theo đuổi các cuộc đàm phán một cách chân thành nhằm đạt được các biện pháp hiệu quả để sớm chấm dứt cuộc chạy vũ khí đua hạt nhân và giải trừ toàn bộ VKHN dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt và có hiệu quả của quốc tế.

       Việt Nam tham gia Hiệp ước NPT từ năm 1982; từ đó luôn thể hiện chính sách nhất quán trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình thông qua ký kết: Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995; Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996; và gần nhất là Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân năm 2017. Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Hiệp ước NPT là chịu sự thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) theo những thỏa thuận đã được đàm phán và ký kết. Hoạt động thanh sát hạt nhân không chỉ giúp IAEA kiểm soát sự phát triển của VKHN mà còn giúp các quốc gia thành viên quản lý tốt hơn vật liệu hạt nhân.

       Với mục tiêu hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm kiểm toán vật liệu hạt nhân, Cơ quan an ninh hạt nhân Hoa Kỳ phối hợp với VARANS đã tổ chức Hội thảo về Kiểm soát và kế toán vật liệu hạt nhân vào tháng Ba năm 2019, tại Đà Lạt. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia Hoa Kỳ với tư cách là giảng viên, thành viên tham dự phía Việt Nam là các cán bộ thuộc cơ quan pháp quy, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, viện nghiên cứu và các đơn vị có làm việc với vật liệu hạt nhân.

       Các vấn đề chuyên môn được trao đổi và thực hành trong hội thảo bao gồm:

- Định nghĩa và xây dựng báo cáo thông tin về vật liệu hạt nhân cần được kiểm toán;

- Thiết lập báo cáo nhập khẩu, lưu giữ, và xuất khẩu vật liệu hạt nhân.

      Đây là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý Việt Nam rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp lý, các nhân viên kỹ thuật tích lũy được kinh nghiệm kiểm đếm vật liệu hạt nhân. Đồng thời hội thảo cũng giúp chuẩn hóa các thông tin theo biểu mẫu quốc tế, thuận tiện hơn trong quá trình quản lý, góp phần tạo dựng một môi trường an toàn hạt nhân trong các cơ sở làm việc với vật liệu hạt nhân.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Phạm Tuấn Nam – TT Năng lượng hạt nhân

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 2145

Các tin khác