Sau hơn một thập kỷ lưu giữ và xử lý nước nhiễm phóng xạ dùng để làm mát các lò phản ứng sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã quyết định xả dần số nước này ra biển, bắt đầu từ tháng 8/2023.
Quyết định của Nhật Bản đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận: liệu nước xả thải này có đạt tiêu chuẩn an toàn? liệu nó có ảnh hưởng đến môi trường sống của con người? liệu có giải pháp nào tốt hơn?
Báo Khoa học và phát triển đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hào Quang (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), một trong số 11 chuyên gia thuộc đội đặc nhiệm (The Task Force) do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thiết lập để thẩm định, quan sát, kiểm tra quá trình này của Nhật Bản trước, trong và sau xả thải.
Chất lượng nước trong điều kiện thường và điều kiện sự cố
Thưa ông, các nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện hoạt động thông thường có cách xử lý nước thải như thế nào? Nó có đáng lo ngại không?
Các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, trong các hoạt động thông thường, đều có một quy trình xử lý các chất thải phóng xạ rất chặt chẽ để thu gom các loại chất thải phóng xạ khác nhau, dưới dạng rắn, dưới dạng lỏng, dưới dạng khí. Họ chỉ cho phép thải chúng ra ngoài môi trường khi các quy trình xử lý phù hợp và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn trong xả thải ra môi trường. Tuy không thể và cũng không có cách nào giảm được mức độ xả thải các chất phóng xạ ra môi trường về zero được nhưng các cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia và quốc tế đã đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể cho mức độ xả thải các chất phóng xạ ra môi trường. Một khi, lượng chất thải phóng xạ dưới chỉ số quy định thì họ vẫn cho phép xả ra môi trường.
Đó cũng là cách hoạt động thông thường của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Ở đây, chúng ta phải cân nhắc so sánh tất cả những rủi ro, thiệt hại do xả lượng các chất phóng xạ dưới chỉ số quy định vào môi trường với những lợi ích mà nó đem lại, ví dụ như những nguồn năng lượng phục vụ cho con người, và chỉ khi thấy các lợi ích nó lớn hơn hẳn mới có thể chấp nhận cho phép thực hiện ứng dụng này. Bất cứ dự án điện hạt nhân nào cũng cần được cân nhắc, đánh giá theo cách như vậy. Chính vì thế, sự hiện diện của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã từ lâu rồi và mọi người coi chuyện hoạt động vận hành của nó không có gì phải bàn cãi. Nếu đến các nhà máy điện hạt nhân ven bờ biển, sẽ thấy chúng rất thanh bình, dù một lượng rất nhỏ phóng xạ ở mức cho phép vẫn được thải ra hằng ngày.
Riêng về chất thải phóng xạ dạng nước, với các công nghệ điện hạt nhân phổ biến hiện nay đều có hai vòng nước làm mát, một là vòng kín, nó tuần hoàn ở trong đó rồi, vòng thứ hai thực ra nó không có phóng xạ gì cả. Vì vậy trên thực tế, lượng phóng xạ lỏng ở trong các nhà máy điện hạt nhân chủ yếu là các hoạt động có thể là bị rò rỉ trong các đường ống rồi họ thu thập lại, xử lý hoặc các vật liệu bị nhiễm bẩn phóng xạ sau tẩy rửa có thể tạo ra nhưng đều có xử lý trước khi xả thải ra ngoài.
Vậy còn nước ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau tai nạn do động đất và sóng thần năm 2011?
Phải nói rằng đây là một hoạt động không bình thường nhằm khắc phục một sự cố lớn do tự nhiên gây ra. Công bằng mà nói, trong lúc khắc phục sự cố như thế, Nhật Bản vẫn lưu giữ các nguồn nước mà còn chưa biết mức độ ô nhiễm như thế nào nhưng họ hiểu lượng nước này tiềm ẩn ô nhiễm phóng xạ. Do đó, họ đã tích lại để có thể xử lý trước khi thải ra môi trường, một hành động rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Sau đó, họ nghiên cứu xem trong hơn 1.000 thùng chứa đặt cạnh nhà máy Fukushiam có chứa những nhân phóng xạ gì. Đầu tiên, họ dự báo bằng lý thuyết là khi đốt cháy nhiên liệu hạt nhân trong những điều kiện tương tự thì sẽ sinh ra những nhân phóng xạ gì? Khi nước biển tiếp xúc với nguồn như thế, khả năng những nhân phóng xạ ấy có thể vào trong nước là bao nhiêu? Họ đều đã tính toán và đo thực nghiệm để kiểm chứng những tính toán đó. Có những nhân phóng xạ họ tiên đoán là có tồn tại nhưng trên thực tế khi tiến hành đo không phát hiện được do nó quá nhỏ, vì vậy tính toán có phần hơi dư so với thực tế. Nhưng họ chấp nhận là tiên đoán dư lên có nhiều nhân phóng xạ rồi họ quyết định phải xây dựng các chương trình tách lọc, xử lý nó và sau là đánh giá lại hiện trạng của các nhân phóng xạ sau quá trình xử lý.
Vậy để loại bỏ những nhân phóng xạ đó, người Nhật đã sử dụng phương pháp gì?
Người Nhật đã sử dụng hệ thống xử lý nước tiên tiến (ASPL), một sản phẩm được họ phát triển rất nhanh và hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn. Họ đã tìm ra được các loại chất phù hợp để làm chất lọc, có khả năng hấp thụ các chất phóng xạ. Khi nước đi qua một loạt các hệ thống lọc chứa các loại chất này, gần như họ có thể lọc hết 62 nhân phóng xạ mà họ dự báo là có khả năng thoát ra trong quá trình tiếp xúc với nhiên liệu nóng chảy.
Con số nhân phóng xạ trên lý thuyết có thể lên tới cả hàng ngàn bởi vì khi hạt nhân bị phân hạch, nó tạo ra hai mảnh một cách ngẫu nhiên, và có những mảnh nó chỉ là vết thôi, tồn tại với lượng rất nhỏ ở mức phần triệu, phần tỉ trong mẫu. Thực ra, tính toán tiên lượng của họ không sai với thực tế nhiều lắm đâu.
Ngoài 62 nhân phóng xạ này, giới quan sát lo ngại các nhân phóng xạ sinh ra do quá trình phân hạch và kích hoạt các thành phần trong lò phản ứng khác như tritium và C-14. Ông nghĩ gì về điều này?
Đội đặc nhiệm của IAEA làm việc tại Nhật Bản.
Tritium và C-14 được người Nhật xếp loại riêng ngoài nhóm 62 nhân phóng xạ này là bởi vì rất khó tách chúng ra khỏi nước. Vì vậy trong nước nhiễm xạ ở Fukushima sau xử lý thì nồng độ hoạt độ của Tritium lớn nhất, tuy nhiên chúng ta cần biết là nhân phóng xạ này lại có đóng góp liều chiếu xạ cho con người và môi trường rất nhỏ. Theo tiêu chuẩn của WHO thì nồng độ hoạt độ Tritium trong nước uống là 10000 Bq/lít còn nước đã qua xử lý hiện nay và đang được thải ra biển là khoảng 200 Bq/lít còn quy định mức nồng độ tritium thải ra biển của Nhật bản không vượt quá 1500 Bq/lít.
Với carbon-14, nồng độ trong nước đã qua xử lý là 0,02 Bq/lít, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Nhật Bản là 2000 Bq/lít còn tiêu chuẩn của WHO đối với nhân phóng xạ này là 100 Bq/lít.
Sự giám sát của IAEA với hoạt động xả thải của Nhật Bản
Dư luận quốc tế quan ngại về việc Nhật Bản có thể không công khai hoàn toàn dữ liệu về việc xử lý nước chứa phóng xạ và chất lượng nước đã qua xử lý. Vậy có một cơ quan nào đủ thẩm quyền để giám sát những điều này không, thưa ông?
Quá trình xử lý và kết quả xử lý nước chứa phóng xạ của Nhật Bản không chỉ được cơ quan an toàn pháp quy hạt nhân của Nhật Bản giám sát mà còn một tổ chức quốc tế quan trọng với ngành hạt nhân toàn cầu là IAEA giám sát thông qua một tổ đặc nhiệm gồm 11 thành viên, được thành lập vào năm 2021. Vai trò của đội đặc nhiệm này, như tuyên bố của Tổng giám đốc IAEA là đảm bảo thẩm định và xác nhận một cách độc lập và khách quan việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và đúng sự thật trong các thời điểm trước, trong và sau khi xả thải.
Đội đặc nhiệm có một số nhiệm vụ quan trọng cụ thể. Thứ nhất là thẩm định lựa chọn xả thải ra môi trường để xem lựa chọn đó có đáp ứng được các an toàn môi trường hiện nay không? Đội đặc nhiệm cần phải lật đi lật lại những gì họ đã thực hiện để xem các hoạt động này có đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn hiện nay mà IAEA khuyến cáo dành cho các quốc gia phát triển chương trình điện hạt nhân hay không? Thứ hai là đảm bảo được sự chứng thực khách quan, xác nhận những điều mà Nhật bản báo cáo là đúng và trên thực tế là đã thực hiện đúng theo quy trình đó, ví dụ như các quy trình quan trọng trong quá trình xử lý nước thải chứa phóng xạ như quy trình phân tích mẫu, quy trình kiểm tra chất lượng nước sau xử lý, quy trình xác nhận kết quả xử lý mẫu, các kết quả quy trình đánh giá đúng như họ nói không…
Vậy đội đặc nhiệm đã kiểm tra và giám sát những gì?
Toàn bộ quy trình liên quan đến cách thức họ xử lý đều được xem xét kỹ lưỡng, qua đó thẩm định tính an toàn của lựa chọn từ Nhật bản. Thẩm định này dựa trên ba nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: 1) Đánh giá các biện pháp bảo vệ và an toàn, những biện pháp mà phía Nhật bản đề xuất sử dụng trong việc xả thải này và xem xét các biện pháp trên hai phương diện, một là vấn đề bảo vệ an toàn có đáp ứng được không? hai là an toàn cho những người vận hành và môi trường; 2) Đánh giá các hoạt động và quá trình kiểm soát của cơ quan pháp quy. Chúng ta đã biết là quá trình này không phải ngày một ngày hai bởi theo dự kiến của Nhật bản, việc xả thải nước qua xử lý ra biển sẽ kéo dài trong vòng 30 năm. Với quá trình dài như thế thì các cách mà cơ quan pháp quy Nhật Bản giám sát nó có đảm bảo từ đầu đến cuối đúng như cam kết trong phương án không?; 3) Lấy mẫu độc lập và chứng thực các dữ liệu và quy trình phân tích của Nhật Bản, đầu tiên là lấy mẫu để đánh giá tổng lượng các nhân phóng xạ có trong các bồn chứa mà Nhật Bản có ý định xả ra, ngoài ra còn lấy mẫu môi trường xung quanh (nước, sinh vật, nước bề mặt, trầm tích).
Là một thành viên trong đội đặc nhiệm, ông có cảm nhận gì về độ trung thực trong báo cáo của Nhật Bản?
Các hoạt động của đội đặc nhiệm đã tìm ra các dữ liệu Nhật Bản cung cấp đều mang tính khách quan không có gian lận, lừa dối gì. Ngoài ra, họ nói rất chi tiết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các hoạt động xả thải. Trong đoàn cũng có nhiều chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau, khi nhận thấy có vấn đề gì còn chưa rõ, họ đều chất vấn nguy cơ rủi ro hoặc chưa lường trước được và nhận được những phần trả lời rất chi tiết.
Vậy với kế hoạch xả thải này, ngoài công ty vận hành là Tepco thì tổ chức nào ở Nhật Bản liên quan trực tiếp đến quyết định xả thải?
Để đi đến quyết định xả thải nước đã qua xử lý ra biển, đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản ra một chính sách về vấn đề này vào tháng 4/2021, trong đó chấp nhận xả nước ra biển. Đây là chính sách cơ bản của Nhật bản, tạo ra một định hướng cho các cơ quan chức năng khác của quốc gia này thực thi, ví dụ như các cơ quan vận hành họ sẽ triển khai và cơ quan pháp quy Nhật Bản sẽ giám sát. Còn IAEA có tham gia vào quá trình này không thì IAEA không tham gia vào quá trình lựa chọn giải pháp mà chỉ đánh giá lựa chọn của Nhật Bản để xem lựa chọn đó có đảm bảo về mặt an toàn với môi trường và con người không. Chúng tôi được biết là Nhật Bản đã đề ra năm phương án khác nhau cho vấn đề xử lý nước nhưng cuối cùng, họ gút lại có hai cách có khả năng thôi, một là bay hơi toàn bộ, hai là xả ra biển. Sau những cân nhắc và xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau thì họ thấy việc xả nước đã qua xử lý ra biển vẫn tối ưu hơn.
Với việc nước đã qua xử lý và đạt các tiêu chuẩn an toàn của WHO và Nhật Bản thì tại sao, kế hoạch xả thải lại kéo dài trong 30 năm?
Về mặt an toàn thì Nhật Bản có thể xả nước đã qua xử lý trong thời gian ngắn hơn nhưng Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến danh tiếng nghề cá và các sản phẩm khác của đất nước nên họ chọn quãng thời gian 30 năm chứ về mặt an toàn có thể xả nhanh hơn thế nhiều.
Họ hiểu rằng, hiện nay đa phần chúng ta không có cảm nhận về phóng xạ một cách thực tế, ví dụ một cốc nước có chứa tritium ở mức nồng độ an toàn nhưng không ai dám uống cả. Đấy là về mặt tâm lý, do mình không hiểu một cách tường tận là với nồng độ tritium như thế cốc nước có thể đem lại mức rủi ro là bao nhiêu. Mình không chiêm nghiệm được cái rủi ro mà cốc nước tritium đem lại như cách mình có thể nhận được với rủi ro khác.
Vậy tại sao vẫn còn có những ý kiến quan ngại từ một số quốc gia hoặc tổ chức quốc tế về vấn đề này, thưa ông?
Tôi nghĩ sự tồn tại của những phản đối là từ các quan điểm khác nhau về vấn đề này, giữa quan điểm bảo vệ môi trường một cách cực đoan với các quan điểm sống hài hòa. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là bất cứ hoạt động nào của con người cũng có thể làm thay đổi môi trường xung quanh.
Cuối cùng, tôi lưu ý là nồng độ các nhân phóng xạ trong nước đã qua xử lý không chỉ tương đương mà nhỏ hơn rất nhiều lần so với xả thải ra môi trường của các nhà máy điện hạt nhân hiện nay ở Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác và thấp hơn mức quy định của WHO về tiêu chuẩn hoạt độ phóng xạ trong nước uống.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Ứng cứu sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa kép động đất, sóng thần. Ảnh: AFP
Một trận động đất xảy ra ở bờ biển Nhật Bản, dẫn đến một cơn sóng thần vào ngày 11/3/2011 đã ập xuống nhà máy điện hạt nhân Fukushima, phá hủy hệ thống làm mát của các lò phản ứng số 1 và số 2. Đây là nguyên nhân khiến cho các lõi lò phản ứng bị nóng chảy và làm nhiễm xạ nước bên trong nhà máy với hoạt động phóng xạ cao.
Để xử lý tai nạn này, công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân Tepco đã bơm nước biển vào làm mát các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng. Điều này khiến mỗi ngày, hoạt động làm mát của Fukushima đã tạo ra rất nhiều nước nhiễm xạ. Do đó, Tepco đã lưu giữ nước này vào hơn 1.000 thùng chứa với khoảng 1,3 triệu tấn nước, một lượng đủ để bơm đầy 500 bể bơi đạt tiêu chuẩn Olympic.
Mark Foreman, một chuyên gia hóa hạt nhân ở ĐH Công nghệ Chalmers, Thụy Điển cho rằng nước xả thải của Nhật Bản không thể làm cho nước biển tăng nồng độ phóng xạ nhiều hơn mức hiện nay của nó. Tác động của các liều phóng xạ hằng năm từ hoạt động xả nước chứa phóng xạ đã qua xử lý ra biển thấp hơn so với các tia X vẫn được dùng ở các phòng khám răng hoặc các phòng chiếu chụp bệnh nhân ung thư vú, an toàn với cả những người ăn rất nhiều hải sản.
Trả lời trên Nature vào tháng 6/2023, Jim Smith, một nhà khoa học môi trường tại ĐH Portsmouth, Anh, nói nguy cơ mang lại cho các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương sẽ không đáng kể. “Tôi luôn luôn ngập ngừng khi nói nguy cơ bằng không nhưng thực chất thì nó rất gần với đó”, ông nói. “Hòn đảo gần [nơi xả thải] nhất là khoảng 2.000 km”.
“Nước thải ra chỉ là một giọt nước trong đại dương, theo nghĩa cả về khối lượng lẫn hoạt độ phóng xạ, Không có bằng chứng là những mức độ đồng vị phóng xạ cực thấp như vậy lại tạo ra ảnh hưởng bất lợi với sức khỏe”, chuyên gia bệnh học phân tử Gerry Thomas, ĐH Hoàng gia London trả lời BBC. |
Thanh Nhàn & nhóm cộng sự thực hiện