Hội thảo khoa học chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ KH&CN

Thursday, 23/05/2024, 00:00

Hoà chung trong không khí vui mừng, phấn khởi của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều ngày 17/5/2024, Đoàn thanh niên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) tổ chức hội thảo “Nghiên cứu các phản ứng hạt nhân gây bởi chùm p và α trên các bia nhẹ trong vùng năng lượng thấp và trung bình”. Đây là dịp để các cán bộ Trung tâm Vật lý hạt nhân báo cáo, trao đổi về các hướng nghiên cứu liên quan đến nghiên cứu các phản ứng hạt nhân, một trong những lĩnh vực quan trọng mà hiện nay Viện KH&KTHN đang phụ trách.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Đức Khuê – Viện trưởng Viện KH&KTHN nhấn mạnh ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/05) là sự kiện vô cùng ý nghĩa với ngành KH&CN, là cơ hội để các nhà khoa học cùng nhau ngồi lại để chia sẻ và thảo luận các vấn đề còn tồn tại để tìm giải pháp khắc phục, hướng tới sự phát triển của ngành khoa học công nghệ nói chung cũng như của đơn vị nói riêng. Với chủ đề của Ngày KH&CN Việt Nam năm 2024 “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai” và “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia” PGS.TS Phạm Đức Khuê mong muốn hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Viện KH&KTH ngày càng phát triển, kết quả nghiên cứu đạt chất lượng tốt, thiết thực, hiệu quả, gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn phục vụ hoạt động của ngành.

 

Hội thảo có 04 báo cáo do các nghiên cứu viên đến từ Trung tâm Vật lý hạt nhân (TT VLHN), Viện KH&KTHN trình bày.

 

Mở đầu hội thảo là báo cáo “Nghiên cứu phản ứng hạt nhân với chùm proton và alpha phát ra từ máy gia tốc Pelletron 5SDH-2 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội” do TS. Lê Xuân Chung – Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân (TT VLHN) trình bày. Bài trình bày giới thiệu kết quả và phương hướng nghiên cứu phản ứng hạt nhân thực nghiệm sử dụng chùm tia từ máy gia tốc Pelletron 5SDH-2. Nội dung được trình bày bao gồm các kết quả từ các đề tài cấp nhà nước và cấp bộ mà Viện KH&KTHN đã chủ trì trong thời gian vừa qua. Đồng thời TS. Lê Xuân Chung cũng đề xuất những hướng nghiên cứu mới nhằm tiếp tục khai thác thiết bị và nguồn lực sẵn có, trong nước.

 

TS. Lê Xuân Chung trình bày báo cáo

 

Tiếp theo, TS. Đỗ Công Cương – Phó Giám đốc TT VLHN trình bày báo cáo “Nghiên cứu quá trình chuyển 8Be trong tán xạ α+ 12Cđàn hồi”. Nghiên cứu này đã giải thích được sự tăng lên bất thường của tiết diện tán xạ ở những góc lớn mà các mô hình mẫu quang học trước đây vẫn chưa giải thích được. Báo cáo tập trung vào phân tích hai bộ số liệu thực năm 1969 của trung tâm gia tốc vòng “Karlsruhe isochronous cyclotron” (Đức) và bộ số liệu gần đây của trung tâm gia tốc thuộc ĐH Jyvaskyla (Phần Lan). Kết quả phân tích liên kênh phản ứng đã cho thấy những đóng góp rất quan trong của quá trình chuyển 8Be lênh kênh tán xạ α+ 12Cđàn hồi. Đây cũng là một hướng nghiên cứu còn nhiều dư địa và TS. Cương rất sẵn sàng hỗ trợ hỗ trợ, hướng dẫn đào tạo các cán bộ trẻ làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về lĩnh vực này.

 

TS. Đỗ Công Cương trình bày báo cáo

 

Báo cáo thứ ba có tên “Phát triển các ứng dụng dựa trên Geant4/Geant4-DNA để nghiên cứu sinh học phóng xạ và phản ứng quang hạt nhân” do TS. Lê Tuấn Anh trình bày. Bài trình bày đã tóm tắt và giới thiệu về việc ứng dụng bộ công cụ mô phỏng Geant4/Geant4-DNA trong nghiên cứu cơ bản. Trong đó báo cáo đặc biệt tập trung vào trong hướng đánh giá tổn thương gây bới phóng xạ của tế bào ở cấp độ DNA. Đây là một hướng nghiên cứu mới mang tính tiên phong liên ngành nên rất cần sự hợp tác không chỉ trong lĩnh vực hạt nhân mà còn liên quan đến các lĩnh vực sinh học và y tế. Chính vì vậy, TS. Lê Tuấn Anh cũng rất mong muốn tiếp tục triển khai và phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Viện NLNTVN về hướng nghiên cứu này.

 

TS. Lê Tuấn Anh trình bày báo cáo

 

Kết thúc phần trình bày báo cáo là bài “Nghiên cứu thực nghiệm tiết diện vi phân theo góc của phản ứng 11 B(p, α 0 ) 8 Be với chùm proton năng lượng 2.5 MeV” do ThS. Đỗ Thị Khánh Linh trình bày. Bài báo cáo đã trình bày về thí nghiệm đo tiết diện vi phân theo góc của phản ứng 11 B(p, α0) 8Be với chùm proton năng lượng 2.5 MeV được gia tốc tại máy gia tốc pelletron thuộc trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), tại 8 góc 50o, 70o, 90o, 106o, 120o, 130o, 150o và 160o. Các kết quả thu được có sự phù hợp với các kết quả đã được công bố trước đây. Hiện nay, nhóm cũng có kế hoạch thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về tiết diện kênh phản ứng 11 B(p, α0) 8Be với bia 11B làm giàu với chùm proton được gia tốc trong dải năng lượng của máy pelletron. Các kết quả của nghiên cứu này cũng đã được đăng trên tạp chí Nuclear Physics A, vol. 1046, tháng 5/2024.

 

ThS. Đỗ Thị Khánh Linh trình bày báo cáo

 

Nghiên cứu về các phản ứng hạt nhân cả lý thuyết và thực nghiệm luôn là đề tài hấp dẫn và rất khó trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý hạt nhân. Thông qua hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã có dịp tham gia thảo luận, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu các phản ứng hạt nhân. Hội thảo diễn ra trong bầu không khí sôi nổi và cởi mở của tất cả các đại biểu tham dự.

 

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân

Lượt xem: 324

Các tin khác