Hội thảo Thiên văn Vô tuyến và Vật lý Thiên văn ở Việt Nam

Thursday, 17/04/2014, 00:00

     Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 4 năm 2014, tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý Thiên văn (Vietnam Astrophysics Training LaboratorY hay ngắn gọn VATLY) đã tổ chức hội thảo lần đầu tiên ở Việt Nam với chủ đề Thiên văn Vô tuyến và Vật lý Thiên văn ở Việt Nam (Workshop on Radio Astronomy and Astrophysics in Vietnam). Hội thảo được tổ chức với sự tài trợ của Hội Thiên văn Quốc tế (International Astronomical Union) và Phòng thí nghiệm VATLY.
     Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Đặng Hoàn Thành đã thay mặt Ban lãnh đạo Viện tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

 

Đồng chí Phó Viện trưởng Đặng Hoàn Thành phát biểu khai mạc hội thảo

 

 

 

Đại biểu tham dự hội thảo

 

     Hội thảo quy tụ phần lớn các nhà vật lý thiên văn ở Việt Nam và một số đồng nghiệp uy tín từ nước ngoài, gồm Giáo sư Di Li (Lãnh đạo việc xây dựng kính thiên văn đơn lớn nhất thế giới với đường kính 500 m, Đài thiên văn Quốc gia Trung Quốc), Giáo sư Kazuhiro Sekiguchi (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đài thiên văn Quốc gia Nhật Bản), Giáo sư Thibaut Le Bertre (Chuyên gia về nghiên cứu sao, Đài thiên văn Paris) và Giáo sư Young Chol Minh (Chủ tịch Hội thiên văn Hàn quốc, Viện Không gian và Thiên văn học Hàn Quốc).

 

 

TS. Phan Bảo Ngọc - Đại học Quốc tế TPHCM trình bày tại hội thảo

 

     Nghiên cứu thiên văn ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào thiên văn vô tuyến, một lĩnh vực tiên phong trong nghiên cứu hiện đại. Có được điều này là nhờ công sức đào tạo và khuyến khích của nhà vật lý thiên văn vô tuyến người Pháp gốc Việt, Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, người giành phần lớn sự nghiệp khoa học của mình tại Pháp.

     Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi thông tin về các dự án nghiên cứu đang tiến hành và sẽ được thực hiện ở các nước; củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ và hợp tác khoa học trong lĩnh vực thiên văn học giữa những nhà vật lý thiên văn trong và ngoài nước, đặc biệt là  khu vực Đông Nam Á.

     Thông qua Hội thảo, người nghe đã được cung cấp thông tin về những nội dung và kết quả nghiên cứu chủ yếu trong thời gian qua, cũng như những dự kiến trong tương lai do đại diện của các nước tham dự trình bày. Bên cạnh đó, một số hình thức hợp tác cụ thể đã được các đại biểu trao đổi sâu sắc và đạt được sự nhất trí cao như việc tổ chức thực tập sau tiến sĩ tại  một trong các đài thiên văn của đối tác; khả năng sử dụng kính thiên văn của các đài thiên văn của đối tác…

     Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. Các đại biểu tham dự đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp nhiệt tình của Ban tổ chức nước chủ nhà, coi đó là một trong những yếu tố làm nên thành công của Hội thảo lần này.

 

TS. Phạm Ngọc Điệp

 

Lượt xem: 4492

Các tin khác