Nhìn lại kết quả hoạt động hợp tác nghị định thư VAEI – KAERI về phân tích an toàn hạt nhân

Monday, 25/08/2014, 00:00

       Năm 2007 theo quyết định của Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEI), Trung tâm An toàn hạt nhân đã được thành lập tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (INST). Đề án số 9 về “Tăng cường tiềm lực kỹ thuật về an toàn hạt nhân phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam” trong Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đã được các cán bộ trung tâm tham gia xây dựng dưới sự chỉ đạo và chủ trì của TS. Lê Văn Hồng. Mọi hoạt động xây dựng nguồn lực xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm cho đến nay luôn đi đúng định hướng đã được vạch ra trong Đề án này.

       Với sự quan tâm của lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhiều cán bộ trẻ đã được bổ sung và tham gia vào việc tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức cơ bản về an toàn hạt nhân. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của xây dựng đội ngũ cán bộ, cùng với việc Quốc hội thông qua chương trình phát triển điện hạt nhân, TS. Lê Văn Hồng đã cùng nhóm cán bộ của trung tâm An toàn hạt nhân đề xuất chương trình hợp tác nghiên cứu với viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI). Nghị định thư hợp tác nghiên cứu về phân tích an toàn lò phản ứng nước nhẹ trong các điều kiện chuyển tiếp và sự cố đã được VAEI và KAERI ký kết thực hiện trong hai năm 2009-2010.

 

 

Đoàn cán bộ VAEI và KAERI tại buổi thảo luận và ký kết hợp tác, KAERI, 4-2009

 

       Đối tác KAERI do TS. Bob Dong Chung, trưởng nhóm phân tích an toàn thuộc Trung tâm Nghiên cứu an toàn thủy nhiệt (THSRD), KAERI đã cùng với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tham gia vào chương trình hợp tác nghiên cứu này. Với kinh phí hạn chế, phần mềm RELAP/SCDAPSIM đã được mua và chính thức có bản quyền sử dụng sau nhiều năm chúng ta quen với việc áp dụng các chương trình của IAEA hay các đối tác khác cung cấp (miễn phí). Đây là tiền đề quan trọng để bắt đầu quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sử dụng chương trình và xây dựng nhóm nghiên cứu phân tích an toàn thủy nhiệt. Được sự giúp đỡ của TS. Bob Dong Chung và các chuyên gia KAERI, chương trình mô phỏng MARS dựa trên nền RELAP5 do KAERI phát triển đã được nhóm cán bộ Việt Nam tiếp cận và sử dụng trong quá trình hợp tác nghiên cứu. Công nghệ lò APR1400 cũng được phía bạn giới thiệu và thông qua các đợt trao đổi đoàn, nhiều bài giảng do các chuyên gia KAERI trình bày tại Hà Nội và các đợt học tập nghiên cứu (On Job Training – OJT) tại KAERI đã giúp các cán bộ nghiên cứu trung tâm An toàn hạt nhân bước đầu thực hiện một số bài toán phân tích an toàn cho lò APR1400 sử dụng các chương trình RELAP/SCDAPSIM và MARS.

 

Lớp học sử dụng RELAP5 và MARS tại INST, 9-2009

 

       Sau hai năm thực hiện, nhóm nghiên cứu phân tích an toàn thủy nhiệt đã được hình thành tại trung tâm An toàn hạt nhân. Các kết quả nghiên cứu và tìm hiểu đã được nhiều cán bộ trẻ trình bày tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9 tổ chức tại Ninh Thuận, đánh dấu và khởi động cho các nghiên cứu sâu hơn các bài toán phân tích an toàn cho nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN). Phía đối tác đánh giá cao tinh thần học tập và công tác của các cán bộ Việt Nam. Ba cán bộ trẻ (hai cán bộ của trung tâm An toàn hạt nhân và một cán bộ từ viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) đã được các chuyên gia KAERI tuyển chọn đào tạo theo chương trình nghiên cứu sinh của Đại học Khoa học và Công nghệ (UST) tại Hàn Quốc. Lãnh đạo viện KAERI – TS. Won Pil Baek (phó chủ tịch), lãnh đạo trung tâm THSRD – TS. Chu Hwa Song và TS.Bob Dong Chung đã dành sự quan tâm đặc biệt cho chương trình hợp tác này và đề nghị tiếp tục hợp tác với VAEI và Trung tâm An toàn hạt nhân.

       Chương trình hợp tác Nghị định thư giữa INST và KAERI về “Nghiên cứu phân tích an toàn lò phản ứng nước nhẹ trong các điều kiện chuyển tiếp và sự cố nặng” đã được INST và KAERI ký kết thực hiện trong hai năm 2012-2013.

Trọng tâm hợp tác giai đoạn hai (2012-2013) đã được đẩy thêm một bước. Kể từ sau tai nạn NMĐHN Fukushima, Nhật bản, các yêu cầu về đánh giá và đảm bảo an toàn của các NMĐHN trong các điều kiện sự cố nặng đã trở thành một trong những chủ đề nóng trong nghiên cứu, phân tích an toàn hạt nhân. Nhóm nghiên cứu sự cố nặng thuộc THSRD, KAERI được tách ra và tổ chức lại thành Trung tâm nghiên cứu sự cố nặng và an toàn lò PHWR. Chương trình hợp tác tập trung vào hai lĩnh vực chính: Tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực phân tích an toàn sử dụng RELAP5 và bước đầu xây dựng nhóm nghiên cứu sự cố nặng tại Trung tâm An toàn hạt nhân.

 

Viện trưởng Trần Chí Thành tiếp và làm việc với các chuyên gia KAERI

 

       Các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu sự cố nặng, KAERI do TS. Jin Ho Song-giám đốc trung tâm đã sang Việt Nam tham gia giảng dạy. Chương trình đào tạo về các kiến thức cơ bản liên quan đến sự cố nặng trong NMĐHN đã được đông đảo cán bộ Việt Nam quan tâm, tham dự. Các học viên đến từ INST, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS), Đại học Bách khoa Hà Nội đã tham gia lớp học này. Các kiến thức cơ bản thu được từ khóa học này là nền tảng quan trọng cho các định hướng nghiên cứu tiếp theo, không chỉ tại Trung tâm An toàn hạt nhân, mà còn hình thành nhóm nghiên cứu tại Đại học bách khoa Hà Nội. Chương trình MELCOR đã được các cán bộ trung tâm An toàn hạt nhân tiếp cận với sự giúp đỡ của các chuyên gia KAERI. Đây sẽ là công cụ quan trọng để trung tâm An toàn hạt nhân đi sâu nghiên cứu các bài toán liên quan đến thoái hóa vùng hoạt lò phản ứng trong các điều kiện sự cố nặng, tính toàn vẹn của thùng lò phản ứng, tương tác bê tông – chất nóng chảy, đánh giá số hạng nguồn phóng xạ trong nhà lò. Với công cụ ANSYS có bản quyền sử dụng, một số cán bộ của Trung tâm An toàn hạt nhân đã cộng tác với các cán bộ Đại học bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh các nghiên cứu về tương tác cơ – nhiệt tại đáy thùng lò phản ứng trong trường hợp vùng hoạt nóng chảy cũng như các áp dụng khác cho các bài toán nghiên cứu dòng hai pha.

 

Lớp học sự cố nặng do các chuyên gia KAERI giảng dạy, 9-2012

 

       Nhiều chuyên đề nghiên cứu được thực hiện với ba mục tiêu chính: Trang bị các kiến thức cơ bản, nghiên cứu và tìm hiểu các vấn đề sự cố nặng liên quan đến lò VVER, nghiên cứu các hệ thống an toàn và giảm thiểu sự cố nặng trong các NMĐHN thế hệ III, III+. Các cán bộ trẻ trung tâm An toàn hạt nhân đã tích cực tham gia vào các hoạt động chuyên đề, từng bước nâng cao kiến thức chuyên môn và trình độ. Hầu hết các cán bộ của trung tâm đều đã và đang hoàn thành chương trình thạc sỹ khoa học tại Đại học bách khoa Hà Nội. Phía KAERI tiếp nhận thêm một cán bộ trẻ theo chương trình nghiên cứu sinh của Đại học Khoa học và Công nghệ (UST).

       Nhiều kết quả nghiên cứu chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề nghiên cứu hệ thống an toàn trong NMĐHN và tính toán mô phỏng đã được trình bày tại Hội nghị khoa học. Hai hội thảo khoa học đã được tổ chức vào tháng 9-2012 và 9-2013 tại Hà Nội và nhận được quan tâm của lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, nhiều cán bộ từ các cơ quan như Viện Năng lượng (bộ Công thương), Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Hội thảo khoa học, 9-2013

 

       Để tiếp cận đến các chương trình thực nghiệm, các cán bộ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, đoàn công tác gồm lãnh đạo viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và cán bộ quản lý bộ Khoa học công nghệ cũng đã được phía KAERI giới thiệu về thực nghiệm thủy nhiệt ATLAS và thực nghiệm sự cố nặng. TS. Chang Hwan Chung đã được KAERI cử sang Việt Nam trong thời gian một năm giúp đào tạo cán bộ của INST và VAEI về các kiến thức cơ sở cho việc tổ chức, xây dựng thực nghiệm thủy nhiệt.

       Qua hoạt động hợp tác nghiên cứu, các cán bộ Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã có cơ hội làm việc với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phân tích an toàn thủy nhiệt và sự cố nặng: T.S. Bob Dong Chung, trưởng nhóm tính toán phân tích an toàn và phát triển phần mềm MARS, thành viên của nhóm phân tích an toàn của OECD. T.S. Chu Hwa Song – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn thủy nhiệt, thành viên nhóm thực nghiệm thủy nhiệt của OECD và T.S. Jin Ho-Song, giám đốc trung tâm nghiên cứu sự cố nặng, Viện KAERI.

       Nhóm phân tích an toàn thủy nhiệt của Trung tâm An toàn hạt nhân, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã sử dụng tương đối thành thạo chương trình RELAP5 và đặc biệt được tiếp cận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thực hiện các bài toán phân tích an toàn trong báo cáo SAR.

       Nhóm nghiên cứu sự cố nặng được hình thành và tiếp cận đến chương trình MELCOR và có điều kiện tính toán, trao đổi kết quả, học hỏi kinh nghiệm.

       Hiện tại 4 cán bộ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trong đó có 3 cán bộ của Trung tâm An toàn hạt nhân đang tham gia học tập, nghiên cứu tại KAERI. Đây là kết quả của quá trình hợp tác này.

 

Lớp nghiên cứu thực nghiệm thủy nhiệt do chuyên gia KAERI giảng dạy

 

       Duy trì mối quan hệ này sẽ giúp Việt Nam từng bước phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ cán bộ. Điều này cũng đã được GS. Pierre Darriulat trong bài viết cho tạp chí Tia Sáng nhấn mạnh: “Tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết đào tạo theo nhóm thay vì tách biệt từng cá nhân, nhằm xây dựng những đội ngũ cán bộ, chuyên gia tốt nhất. Đào tạo theo nhóm nghĩa là học viên không được gửi ra nước ngoài trong thời gian quá dài. Họ cần phải trở về trung tâm sau mỗi đợt tập huấn ở nước ngoài (khoảng một năm hoặc ngắn hơn) và tham gia vào một tiến trình giảng dạy và học liên tục.”

 

Lê Đại Diễn - Trung tâm An toàn hạt nhân

Lượt xem: 4464

Các tin khác